1. Pele (Brazil)
Trước khi được biết đến với biệt danh “Vua bóng đá”, người ta vẫn gọi ông là Pele, mặc dù nó chẳng liên quan chút nào đến tên thật của ông: Edson Arantes do Nascimento. Thậm chí, so với cái tên thân mật Dico mà các thành viên trong gia đình gọi cậu bé thích đá bóng này, nick-name Pele hoàn toàn xa lạ. Giai thoại về cái tên Pele có nhiều, nhưng có lẽ chính xác nhất là câu chuyện liên quan đến một thành viên của Vasco da Gama, CLB mà Dico thần tượng khi còn là cậu nhóc. Cầu thủ mà Dico thích nhất khi ấy là thủ thành Bilé, cái tên mà bọn trẻ vẫn đọc chệch thành "Pilé".
Năm lên 10 tuổi, Dico đã tự lập ra một đội bóng của riêng mình để đi thi đấu với những đội bóng của bọn trẻ con ở các khu lân cận. Một hôm, trong khi trận đấu trên đường phố đang diễn ra, một đứa trẻ bỗng hét lên gọi cậu là Pele! Tất cả những đứa khác cũng gọi theo. Dico không khoái cái tên này một chút nào, vì trong tiếng Bồ Đào Nha, nó chẳng có một ý nghĩa nào hết. Nhưng Dico càng không thích, lũ bạn ương bướng càng réo tên cậu là Pele. Đã có lần, cậu đánh lộn với một thằng bạn chỉ vì cậu cho rằng cái tên đó là một sự xúc phạm. Nhưng rồi cậu buộc phải chấp nhận và cái tên Pele sẽ theo cậu suốt cuộc đời, không chỉ trên sân cỏ mà còn cả trong cuộc sống. Cậu không thể biết rằng trong mấy chục năm sau, Pele sẽ trở thành một trong những cái tên được biết đến nhiều nhất trên thế giới.
Pele chơi cho Santos trong phần lớn sự nghiệp “quần đùi áo số”, và cùng với cựu thủ thành người Bồ Đào Nha Victor Baia, Pele trở thành một trong hai cầu thủ gặt hái nhiều danh hiệu nhất, ở cấp CLB. Ngoài ra, Pele còn là danh thủ duy nhất vô địch 3 kỳ World Cup, đóng vai trò chủ đạo trong chiến thắng của Brazil năm 1958 và 1970. Sau 92 lần khoác áo Brazil, Pele ghi được 77 bàn thắng, một kỷ lục vẫn chưa bị phá vỡ. Tổng cộng, “The King of Football” đã có 1281 bàn thắng trong 1363 trận thi đấu chính thức.
Ở kỳ World Cup 1958, Pele có được bàn thắng đầu tiên vào lưới xứ Wales tại tứ kết (bàn duy nhất của trận đấu), trở thành cầu thủ trẻ nhất ghi bàn trong VCK World Cup ở tuổi 17 và 239 ngày. Trong trận bán kết, Pele thậm chí còn ghi hat-trick vào lưới ĐT Pháp, giúp ông giữ danh hiệu cầu thủ trẻ nhất ghi hat-trick tại các VCK World Cup. Đến trận chung kết gặp Thụy Điển, Pele lập cú đúp, giúp Selecao đánh bại đối thủ với tỉ số 5-2. Bàn thắng đầu tiên của ông, được thực hiện khi Pele lốp bóng qua đầu một hậu vệ Viking rồi kết thúc bằng cú vô lê thẳng căng vào góc chết, được coi là một trong những bàn thắng đẹp nhất lịch sử cúp thế giới
2. Diego Maradona (Argentina)
Thiên thần và Ác quỷ, nổi tiếng gắn liền với tai tiếng… đó là những gì đã Diego Maradona thành huyền thoại có một không hai trong làng bóng đá thế giới. Tốc độ, những cú dốc bóng lắt léo, khả năng khống chế bóng điệu nghệ và những pha độc diễn không tưởng của ông thậm chí còn không có trong bất kì một giáo án kỹ thuật nào. Sở hữu thể hình khiêm tốn, nhưng những bài học bóng đá trên những con phố nghèo ở thủ đô Buenos Aires đã dạy cho Maradona biết làm cách nào để chiến thắng những cầu thủ to lớn hơn mình: “Nếu không thắng được bằng sức mạnh cơ bắp, hãy sử dụng đôi chân và cái đầu”.
Mặc dù tài năng sớm được công nhận, nhưng cho đến năm 1982, khi World Cup được tổ chức ở Tây Ban Nha, Diego Maradona mới được tham gia đấu trường số một hành tinh này. Nhưng đây cũng chưa phải là dấu mốc lịch sử mà người ta nghĩ đến mỗi khi nói về ông. Hai bàn thắng trong trận đấu với Hungary chưa đủ để "cậu bé vàng" giúp cho Argentina thành công ở giải đấu năm đó. Chia tay World Cup 1982 một cách buồn bã, Maradona và các đồng đội hướng đến kỳ đại hội sau đó 4 năm ở Mexico.
Với 5 bàn thắng trong cả giải đấu, Maradona đã dẫn dắt đội nhà đến với trận chung kết lịch sử với người Đức. Ở đó, cũng chính sự xuất sắc của thiên tài này đã giúp các đồng đội đánh bại ĐT Tây Đức với tỷ số 3-2 và lên ngôi một cách đầy thuyết phục. Khi nói đến năm 86, những người yêu bóng đá nghĩ ngay đến Maradona, một cầu thủ kiệt xuất của bóng đá Argentina nói riêng và bóng đá thế giới nói chung. Một bàn thắng gian lận bằng tay vào lưới ĐT Anh (nhưng vẫn được NHM gọi là “Bàn tay của Chúa, “Bàn thắng thế kỷ”), sau đó là một pha độc diễn mà người ta vẫn nói là "độc nhất vô nhị" cho đến thời điểm này. 5 cầu thủ xứ sở sương mù trở thành trò hề trước mũi giầy của ông. Maradona - đứa con của Chúa - đã đi vào lòng người hâm mộ như thế.
Khả năng định đoạt số phận trận đấu của “cậu bé vàng” giúp ông trở thành một trong những cầu thủ hiếm hoi có thể chèo lái cả đội bóng, mang về một chức vô địch Argentina, một cúp Tây Ban Nha, hai ngôi Vua Serie A, một cúp QG Italia và một UEFA Cup. 3 danh hiệu sau cùng được ông gặt hái cho Napoli, CLB giống như tia sáng chói lòa sau màn đêm kể từ khi Maradona đặt chân đến. Trong màu áo Argentina, ông ghi dược 34 bàn sau 91 lần khoác áo trắng-xanh. Cùng với Pele, Maradona được bầu chọn là “cầu thủ xuất sắc nhất thế kỷ 20
3. Ferenc Puskas (Hungary)
Mặc dù không có được những yếu tố cần thiết mà một tiền đạo điển hình cần có, như chiều cao, khả năng tranh bóng trên không, sức mạnh càn lướt... Nhưng bù lại, Puskas lại sở hữu một chiếc chân trái vô cùng khéo léo. Ngoài ra, trung phong có biệt danh “chiến hạm bay” còn sở hữu tốc độ của một vận động viên chạy nước rút. Ông ghi tổng cộng 84 bàn thắng trong 85 lần khoác áo ĐTQG Hungary. Một kỷ lục mà Puskas đã giữ suốt thế kỷ trước. Nó chỉ bị phá vỡ bởi tiền đạo người Iran - Ali Daei vào năm 2003 (cầu thủ này đã ghi được 109 bàn thắng cho ĐTQG, nhưng phải mất đến 149 trận đấu).
“Siêu tiền đạo” Puskas là một thành viên quan trọng trong đội hình “siêu kinh điển" của ĐT Hungary và “kẻ thống trị” Real Madrid những năm thuộc thập kỷ 50-60 thế kỷ trước. Ở kì World Cup năm 1954, Puskas cùng Hungary gieo rắc "nỗi kinh hoàng" cho tất cả các đối thủ, trước khi dừng chân trong trận chung kết với ĐT Tây Đức - đối thủ mà họ đã từng đánh bại với tỷ số 8-3 ở vòng đấu bảng. Trước đó, Puskas đã dẫn dắt đội tuyển Hungary giành chiếc HCV Olympic1952 trước khi có chuyến vượt biển để tới sân Wembley đánh bại ĐT Anh 6-3 trong trận đấu được coi là đáng nhớ nhất của đất nước Đông Âu này.
Trong suốt sự nghiệp thi đấu, Puskas đã gặt hái được vô số danh hiệu: năm chức vô địch Hungary, 5 ngôi Vương Tây Ban Nha và 3 chiếc cúp vô địch châu Âu. Ông ghi 514 bàn thắng trong 529 trận ra sân, được ghi nhận là tiền đạo có hiệu suất ghi bàn cao nhất lịch sử bóng đá thế giới. Năm 1962, Puskas đã trở thành công dân Tây Ban Nha và cùng đội tuyển nước này tham dự World Cup trong năm đó.
4. Eusebio (Bồ Đào Nha)
Eusebio chính là tên tuổi vĩ đại nhất của bóng đá Bồ Đào Nha. Sinh ra ở Mozambique, Eusebio trở thành cầu thủ gốc Phi đầu tiên vươn tới tầm quốc tế ở vị trí tiền đạo trung tâm. NHM thường gọi ông là "con báo đen" vì tốc độ, sức mạnh và khả năng săn bàn bẩm sinh trước khung thành đối phương. Còn người Bồ Đào Nha coi ông như "viên ngọc đen" – quốc bảo của Seleccao. Eusebio đã làm nên thời kì vàng son cho Benfica những năm 1960, giúp đội bóng này không chỉ thống lĩnh các giải đấu trong nước, mà còn vươn cánh tay quyền lực ra tận châu lục.
Trong những năm "Viên ngọc đen" xứ Mozambique cống hiến cho "Những chú đại bàng" (biệt danh của Benfica), ông ghi được 727 bàn trong 715 trận khoác áo Benfica (có số liệu ghi 1137 bàn), trong đó có 317 bàn trong 301 trận chơi ở giải VĐQG. Ảnh hưởng to lớn của Eusebio đến thành công của Benfica được thể hiện rõ từ năm 1962. Khi vắng ông, đội ĐKVĐ cúp C1 đã thất bại 1-3 trong trận tứ kết lượt đi mùa giải 1961-1962 gặp Nuremberg. Với sự trở lại của Eusebio, Benfica đã có chiến thắng thuyết phục 6-0 trong trận lượt về.
Ở tuổi 20, ông đã trở thành nguồn cảm hứng sau chiến thắng của Benfica ở cúp C1 châu Âu, đặc biệt là 2 bàn trong trận thắng 5-3 trước Real Madrid hùng mạnh của huyền thoại Alfredo Di Stefano. Ông cũng cùng Benfica có thêm 3 lần nữa lọt vào chung kết cúp C1 dù không giành được chiến thắng (các năm 1963, 1965 và 1968). Với phong độ ghi bàn xuất sắc ở Benfica, Eusebio được bầu chọn là "Cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu" năm 1965, một năm trước khi đưa Bồ Đào Nha lọt tới bán kết World Cup 1966. Tới năm 196, ông là người đầu tiên nhận giải thưởng "Chiếc giày vàng" dành cho cầu thủ ghi bàn xuất sắc nhất ở các giải VĐQG châu Âu. Ông cũng 7 lần là Vua phá lưới giải VĐ BĐN, giúp Benfica giành 10 chức VĐQG và 5 cúp QG.
5. Gerd Muller (Đức)
"Der Bomber" – Kẻ dội bom – là biệt danh người ta dành cho Gerd Muller. Ông đóng vai trò không nhỏ trong những thắng lợi lịch sử của Bayern Munich và ĐT Đức, không hề thua kém "Der Kaiser" – Hoàng đế - Franz Beckenbauer. Tần suất ghi bàn của Muller trong màu áo cả hai đội bóng trên đều hết sức đáng nể,
Trong màu áo LB, Muller, Sepp Maier và Franz Beckenbauer đã đưa Bayern Munich trở thành một "thế lực" ở Bundesliga, bắt đầu từ năm 1965 (Kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 3 và mang về chiếc cúp quốc gia Đức) Ở những mùa giải 1967, 1969 và 1971 họ tiếp tục đem về 3 chiếc cúp quốc gia. Cùng với "bộ ba siêu đẳng", Bayern Munich đã có được chiếc cúp vô địch nước Đức vào năm 1969, trước khi lập một cú hat-trick vô địch quốc gia trong 3 mùa giải liên tiếp vào các năm 1972, 1973 và 1974. Cũng vào giai đoạn đó, "Hùm xám" đã có được chức vô địch cúp C2 vào năm 1967, 3 chức vô địch C1 vào các năm từ 1974 đến 1976. Người góp công lớn nhất vào thời kì huy hoàng ấy không phải ai khác, ngoài Gerd Muller. Ông là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất cho CLB từ mùa giải 1964/65 đến 1977/78, đồng thời là "vua phá lưới" của Bundesliga không dưới 7 mùa giải mà ông thi đấu. Dấu mốc lớn nhất là 40 bàn thắng mà Gerd Muller ghi được ở mùa giải 1971/72. Cho đến nay đó vẫn là một kỷ lục mà chưa một cầu thủ nào phá được. Tổng cộng, ông đã ghi 582 bàn sau 669 trận cho Nayern.
Hiệu suất ghi bàn của “Kẻ dội bom” còn đáng sợ hơn ở khía cạnh ĐTQG, với 68 bàn thắng trong 62 trận đấu, góp công lớn vào chức vô địch châu Âu 1972 và World Cup 1974 của những cỗ xe tăng. Năm 1970, ông được bầu chọn Qur bóng vàng Ballon d'Or. 30 năm sau, Muller được trao tặng danh hiệu “cầu thủ ghi bàn xuất sắc nhất mọi thời đại”, trước khi bị Ronaldo phá vỡ năm 2006 (Muller ghi được 14 bàn trong 2 kì World Cup, Ronaldo ghi được 15 bàn, nhưng phải mất 3 kì World Cup).
6. Ronaldo (Brazil)
Nói về Ronaldo, người ta không chỉ đề cập đến tài năng xuất chúng của tiền đạo nổi tiếng nhất những năm cuối thế kỉ 20 và đầu thế kỉ 21, mà còn nói đến những câu chuyện kì bí về cầu thủ được mệnh danh "Phenomenon" (Người ngoài hành tinh). Biệt danh ấy đã theo chân trung phong người Brazil trong suốt thời gian anh “hô phong hoán vũ” ở châu Âu. 2 lần đoạt Quả bóng vàng châu Âu, 3 lần có tên ở vị trí số 1 cuộc bình chọn cầu thủ xuất sắc nhất thế giới của FIFA đưa Ronaldo lên đỉnh cao danh vọng, mà ở đó chỉ có Zinedine Zidane sánh ngang với anh.
Nếu xét về thành tích, Ronaldo được NHM nhớ đến nhiều hơn ở khía cạnh ĐTQG, khi anh đóng một phần quan trọng trong 2 chiếc cúp vô địch thế giới năm 1994 (dù không được ra sân một phút nào) và 2002. Tầm ảnh hưởng mà Ronaldo áp đặt lên Selecao được thể hiện rõ ràng nhất ở World Cup 1998, khi Brazil thắng như chẻ tre trước khi đại bại nhục nhã trước chủ nhà Pháp. Đó là trận đấu mà Ronaldo vật vờ như một bóng ma vì cơn động kinh bí hiểm 17 giờ trước trận chung kết. Đến World Cup 2006, “Người ngoài hành tinh” chính thức phá vỡ kỷ lục ghi 14 bàn thắng trong các kỳ World Cup của Gerd Muller, khi anh lập công tổng cộng 15 lần trong 3 kì World Cup được ra sân thi đấu.
Sau thất bại tủi hổ 0-3 trước ĐT Pháp, báo chí Brazil bắt đầu vào cuộc để tìm ra căn nguyên lý giải cho cú sốc không tưởng. Một phần sự thật được phơi bày: Số 9 của Brazil suýt chút nữa mất mạng sau cơn co giật vào rạng sáng cùng ngày. Một số nguồn tin cho rằng anh bị đầu độc. Tuy nhiên, giả thiết anh bị sốc thuốc giảm đau (chấn thương ở chân) và bị sức ép tâm lý dẫn đến co giật được giới y học cho là hợp lý nhất. Lúc 4h ngày 12/7/1998, 17 giờ trước khi diễn ra trận chung kết, bạn cùng phòng với Ronaldo là Roberto Carlos phát hiện anh bị co giật khoảng 30 đến 40 giây, người thì lả đi. Hoảng quá, Carlos la toáng lên, gọi bác sĩ, đánh thức cả đội. Ronaldo được nhập viện, kiểm tra điện tâm đồ, thần kinh và chỉ đến sân Stade de France sát giờ đấu. Đó là lý do anh không có mặt trong danh sách ra sân ban đầu. Vụ này sau đó được Quốc hội Brazil đề cập lại vào năm 2002 trong cuộc điều tra về tài chính của bóng đá nước này, nhưng nó vẫn còn là một trong những nghi án lớn nhất lịch sử các VCK World Cup.
Liên quan đến một sự thật chấn động khác, cựu bác sĩ Bernando Santi của ĐT Brazil từng tuyên bố Ronaldo thường xuyên được tiêm vào cơ thể các chất hữu cơ đồng hóa (anabolic steroids) để phát triền cơ và thể chất khi anh ký hợp đồng chơi cho PSV Eindhoven năm 1994, khi đó Ronnie mới 17 tuổi. Kết quả là cơ bắp của Ronaldo đã phát triển nhanh hơn nhiều so với cấu trúc xương đầu gối, dẫn tới sự tàn phá dần dần trong những năm sau này. 3 lần gặp chấn thương đứt dây chằng đầu gối là minh chứng rõ ràng nhất, khiến sự nghiệp của Ronaldo bị gián đoạn. Nhưng hiện tại, Ronnie đã thi đấu trở lại rất ấn tượng, và biết đâu anh sẽ lại được tung hoành cùng màu áo vàng xanh tại Nam Phi năm sau? Khi ấy, huyền thoại “Người bất tử” sẽ còn được viết tiếp.
7. Fernando Peyroteo (Bồ Đào Nha)
Fernando Peyroteo thuở còn tung hoành cùng Lisbon
Nếu cần tìm một tiền đạo đúng nghĩa “mắn bàn”, hãy tìm đến Fernando Peyroteo – người có hiệu suất ghi bàn khó tin: 1,6751 bàn/trận, dẫn đầu danh sách 15 cầu thủ trong lịch sử bóng đá thế giới có tần suất ghi nhiều hơn một bàn mỗi trận. Ông là thủ lĩnh của ĐT Bồ Đào Nha cũng như CLB Sporting, cầm trịch nhóm cầu thủ huyền thoại “Os Cinco Violinos” (Ban nhạc vĩ cầm) gồm 5 người: Jesus Correia, Manuel Vasques, Albano, Travassos và Peyroteo.
Peyroteo ghi được 331 bàn thắng trong 187 trận tại giải vô địch quốc gia Bồ Đào Nha, đưa ông trở thành cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất lịch sử giải đấu này, vượt qua kỷ lục của Eusébio, (319 bàn). Nguyên nhân dẫn đến hiệu suất ghi bàn không tưởng của Peyroteo bắt nguồn từ việc ông thường ghi rất nhiều bàn thắng trong mỗi trận đấu. Theo thống kê, Peyroteo từng ghi tới 9 bàn thắng trong một trận đấu (gặp Leça, mùa giải 1941/42), 8 bàn trong một trận đấu khác (gặp Boavista, mùa 1948/49), 3 lần ghi 6 bàn thắng, 12 lần ghi 5 bàn và 17 lần ghi 4 bàn trong mỗi trận đấu. Tuy nhiên, trong màu áo ĐTQG, Peyroteo chỉ ra sân 20 lần, nhưng ông cũng đã kịp lập công tới 15 lần.
8. Marco Van Basten (Hà Lan)
Luôn chơi bóng như một diễn viên ba lê, tên tuổi của Van Basten đã trở thành huyền thoại không chỉ với bóng đá Hà Lan mà cả bóng đá thế giới. Nhưng, cầu thủ được coi là tài hoa bậc nhất của bóng đá Hà Lan những năm 80 đã phải sớm từ giã sự nghiệp thi đấu vì một chấn thương quái ác ở tuổi 27. Nếu không có vết đau kinh niên ở mắt cá chân, ắt hẳn tiền đạo được mệnh danh là bậc thầy của những cú vô lê ngả người móc bóng sẽ còn góp mặt ở vị trí cao hơn trong bản danh sách này. Tính cách điềm đạm của một “Quý ngài”, khả năng chớp thời cơ nhanh như một tia chớp là hai yếu tố chính làm nên tên tuổi Van Basten.
Van Basten hình ảnh vô địch Euro 1988 đáng nhớ
Dường như là một điềm báo khi van Basten sinh đúng vào ngày lễ Halloween năm 1964. Và khi lớn lên, chàng trai xứ Utrecht này trở thành nỗi ám ảnh của các hậu vệ trên thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà ông được gọi bằng cái tên “Marco Goalo”.
Sự nghiệp của Van Basten cũng giống như hầu hết các danh thủ Hà Lan khác đều bắt đầu từ Ajax. Khi gia nhập Ajax, Basten mới có 18 tuổi và khi đó CLB lừng danh này đang phải vật lộn để giành lại những vinh quang đã từng có vào những năm 70 khi Cruyff đưa tên tuổi CLB lên một tầm cao mới với 3 danh hiệu vô địch Châu Âu. Nhưng có lẽ, tháng ngày vinh quang nhất trong màu áo CLB của Van Basten là khi chuyển sang đầu quân cho AC Milan, với các chức vô địch giải bóng đá Italy năm 1988, 1992, 1993, 1994 và đoạt cúp Châu Âu năm 1989, 1990, 1994.
Trong màu áo ĐTQG Hà Lan, ông cùng hai người đồng đội nổi tiếng Rudd Gullit và Frank Rijkaard làm nên kì tích tại Euro 1988: bước lên bục cao nhất dù các cổ động viên Hà Lan không còn mấy tin tưởng vào đội tuyển khi cơn lốc màu Da cam rơi vào khủng hoảng “hậu Cruyff” (bị loại ở các VCK cúp thế giới 1982 và 1986). Trong trận chung kết gặp Liên Xô cũ, Van Basten đã có được bàn thắng kinh điển và vẫn được coi là pha ghi bàn đẹp nhất lịch sử bóng đá châu Âu. Nhận bóng từ Gullit ở một góc rất hẹp, Van Basten dẫn bóng và bất ngờ tung ra cú lốp thẳng căng, đưa bóng vào góc cao khung thành của đội Liên Xô. Năm 1992, ông cán đích số 1 trong cuộc bầu chọn “cầu thủ xuất sắc nhất thế giới” của FIFA. Trong 3 năm: 1988, 1989 và 1992, ông nhận phần thưởng Quả bóng vàng Ballon d'Or. Đây là thành tích mà trước đó chỉ có Cruyff và Michel Platini vinh dự có được
9. Arthur Friedenreich (Brazil)
"Vua bóng đá" là biệt hiệu của Friedenreich trước khi ông để rơi nickname này vào tay Pele (Năm 1925, trong chuyến du đấu châu Âu của Selecao, Friedenreich được giới hâm mộ tại lục địa già tặng biệt danh này). Vì sống ở thời điểm những năm đầu thế kỉ 20, nên những số liệu về Arthur Friedenreich rất mơ hồ vì những bản ghi chép chồng chéo. Theo một số nguồn tin ở Brazil, ông đã ghi tới 1239 bàn thắng trong 1329 trận, một số khác thì quả quyết con số đó là 1329 bàn sau 1239 trận. Những tranh cãi đã nổ ra, nhưng cũng giống như cái chết năm 1969 của Friedenreich, những con số ấy đã dần rơi vào quên lãng. FIFA đã từ chối xác nhận kỷ lục ghi trên 1000 bàn thắng của Friedenreich vì những số liệu không đáng tin cậy. Và có lẽ, Friedenreich sẽ mãi là một vị Vua không ngai trong làng bóng đá thế giới.
Friedenreich: Người khai sáng cho cầu thủ da màu
Arthur Friedenreich đã có mặt trong thành phần Brazil vô địch Nam Mỹ năm 1922, nhưng không ghi được bàn nào. Tuy nhiên, trước đó 3 năm khi Selecao lần đầu vô địch châu lục, Friedenreich là vua phá lưới của giải với 4 bàn. Được tặng biệt danh mãnh hổ (Tiger), Friedenreich là 1 trong những siêu sao da đen đầu tiên của bóng đá Brazil. Thậm chí, có người xem Friedenreich là siêu sao da đen đầu tiên của thể thao Brazil nói chung. Vai trò của Friedenreich đối với bóng đá Brazil được đánh giá rất cao.
Khi bóng đá du nhập vào Nam Mỹ,các giải thi đấu được tổ chức chỉ dành cho người da trắng nhưng mọi sự đã khác đi khi Friedenreich xuất hiện. Nhờ có bố là người gốc Đức ,Friedenreich đã được phép chơi cho câu lạc bộ Germania và dần dần ông đã khiến các ông chủ CLB ở Brazil phải có cái nhìn khác về khả năng cua người da màu. Ông chính là người đầu tiên và có vai trò to lớn trong việc phá bỏ rào chắn phân biệt chủng tộc trong bóng đá Brazil những ngày đầu non trẻ. Tuy nhiên, Friedenreich lại không may mắn vì thi đấu ở thời kỳ chưa có World Cup. Tại kỳ cúp thế giới đầu tiên năm 1930, Friedenreich không có tên trong danh sách tuyển Brazil vì đã lớn tuổi (38 tuổi).
10. Romario (Brazil)
Cùng với Pele, “Quỷ lùn” là một trong số hai tiền đạo duy nhất của Brazil ghi tới hơn 1000 bàn thắng trong sự nghiệp cầu thủ. Romario được Johan Cruyff ca ngợi là "tiền đạo thiên tài trong việc xoay trở trong vòng cấm". Tại kỳ World Cup 1994, tiền đạo Selecao này đóng vai trò quan trọng trong đội hình vô địch của Brazil. 4 năm sau, anh bỏ lỡ World Cup 1998 vì chấn thương, khiến cặp sát thủ Ro-Ro từng chơi như “lên đồng” tại Confederations Cup 1997 lỗi hẹn với ngày hội lớn nhất hành tinh. Đó cũng là lần cuối cùng người ta đề cập đến anh trong màu áo vàng xanh. Tổng cộng, sau 85 lần ra sân cùng Selecao, anh ghi được 71 bàn thắng. Cùng với thành công tại World Cup 1994, Romario đã được FIFA trao tặng phần thưởng “cầu thủ xuất sắc nhất thế giới”.
Romario chơi bóng đến tận năm 41 tuổi để đạt đến cột mốc 1000 bàn thắng
Khi còn khoác áo Barcelona (1993-95), Romario nhận được khá nhiều lời khen ngợi. Michael Laudrup thừa nhận “không ai có thể đọc tình huống tốt như Romario”, Maradona khen ngợi: “Romario là sát thủ không thể ngăn chặn, có những nét giống mình đến kỳ lạ” còn Roberto Baggio không tiếc lời phán: “Romario là một trong những cầu thủ vĩ đại nhất, vì khả năng làm chủ vòng cấm”…
Song, so với những tiền đạo hàng đầu trong lịch sử của Brazil, Romario có lẽ là người ít được tôn trọng nhất, có lẽ bởi tính cách “cố quá thành quá cố” của cựu cầu thủ Barca này. Ở tuổi 41, Romario vẫn làm bạn với trái bóng để mong đuổi kịp thành tích ghi trên 1000 bàn thắng của Pele – người mà anh từng nói: “So với Pele, tôi vẫn hơn ông ta ở khoản… sex” – câu nói tỏ rõ sự ghen tị của bậc hậu bối. Năm 2004, ở tuổi 39, Romario từng bị Fluminense hủy hợp đồng do khán giả phản đối trong một trận đấu trên sân Maracana. Năm 2007, anh vật vã chờ đợi bàn thắng thứ 1000 trong màu áo Vasco da Gamas và rồi khép lại sự nghiệp khi mẫu thử doping dương tính với chất kích thích, mà sau đó anh biện hộ là hậu quả từ việc dùng… thuốc mọc tóc.