Vợ chồng bà Đơn cùng các con về bên nhà chồng ăn giỗ ông cố nội. Khi ngồi vào mâm, bà Đơn bất ngờ bị 5 người đàn ông và một người phụ nữ đánh tơi tả chỉ vì... dám bước qua rổ bát đĩa.
Ẩu đả hỗn loạn trong đám giỗBà Đinh Thị Đơn kể lại sự việc như sau: Khoảng 8 giờ sáng ngày 7/4/2008, bà cùng chồng là ông Nguyễn Hữu Kiêm và các con về nhà bố chồng (xã Gia Tiến, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) để làm giỗ ông cố nội. Trong đám giỗ hôm ấy có rất nhiều người, cả bà con xóm giềng xa gần và anh em họ hàng.
Trong số đó có 5 người đàn ông gồm: Nguyễn Hữu Đáng, Nguyễn Hữu Hùng, Nguyễn Hữu Điền, Nguyễn Hữu Sơn, Nguyễn Hữu Trường và một phụ nữ tên là Nguyễn Thị Thủy cùng là họ hàng bên nhà chồng, vốn có gây xích mích với vợ chồng bà Đơn từ lâu.
Bà Đơn bị 5 người đàn ông và một phụ nữ đánh đập nơi đông người
Ngay trong đám giỗ, những người nói trên đã mấy lần đuổi vợ chồng bà Đơn về. Đỉnh điểm mâu thuẫn là khi bà Đơn vô tình bước qua rổ bát đĩa thì bị những người này chửi mắng, mạt sát không tiếc lời. Khoảng 11h30, khi ngồi vào mâm cỗ, những người nói trên tiếp tục dùng bạo lực cùng lời nói đe dọa chồng bà.
“Ông Điền và ông Hùng nhảy vào vừa đấm đá, vừa bóp cổ và đẩy chồng tôi ngã xuống chân sập”, bà Đơn kể. Cũng theo lời bà thì hai con trai của bà là anh Thắng và anh Hiến bị những người khác giữ chặt nên không thể vào can ngăn.
Một người hàng xóm chứng kiến sự việc cho biết ông Đáng còn hô hào mọi người ngắt điện thoại, không cho “thằng Kiêm điện công an về”.
Thấy chồng, con gặp nguy, bà Đơn chạy đến can ngăn, lập tức bị ông Sơn túm tóc giật ra rồi đánh liên tiếp. Chưa hết, các ông Trường, Hùng, Đáng, Điền cũng nhảy vào đánh vào ngực, mắt, đầu khiến bà Đơn phải đi cấp cứu và phải nằm điều trị gần 50 ngày tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình.
5 người đàn ông đánh 1 phụ nữ: phòng vệ chính đáng?
Sau khi sự việc xảy ra, Công an xã Gia Tiến đã đến hiện trường nơi xảy ra vụ việc để lập biên bản và ghi nhận lời khai từ các bên. Cùng lúc, bà Đơn đã nộp đơn tố cáo lên Công an huyện Gia Viễn.
Đến ngày 19/8/2008, Thiếu tá Hoàng Văn Toàn - Phó thủ trưởng CQĐT Công an huyện Gia Viễn đã ký quyết định số 39 trưng cầu giám định pháp y tỉnh Ninh Bình đối với thương tích của bà Đinh Thị Đơn. Tại kết luận giám định thương tật pháp y số 67/GĐPY thể hiện thương tích bà Đơn tổn hại 26% sức khoẻ, trong đó thị lực mắt phải còn 5/10, giảm 8%.
Ngày 16/2/2009, cơ quan CSĐT công an huyện Gia Viễn đã ra quyết định không khởi tố vụ án này. Công an huyện Gia Viễn cho rằng trong số 26% thương tật trưng cầu giám định tại tổ chức Pháp y tỉnh Ninh Bình, chỉ xác định được thương tật bà Đơn là 8%, do bà Đơn dùng ghế nhựa phang ông Điền, ông này đỡ ghế bật lại gây nên thương tích cho bà Đơn.
Công an Gia Viễn cho rằng hành vi của ông Điền là “phòng vệ chính đáng”. Còn lại 18% thì không thấy cơ quan công an huyện Gia Viễn cũng như Viện kiểm sát nhân dân huyện Gia Viễn đề cập đến. Cả hai cơ quan này cũng không chứng minh được 18% thương tật còn lại của bà Đơn có nguyên do từ đâu.
Quyết định có "chủ ý" của VKSND huyện Gia Viễn về vụ việc. (Ảnh Đô Quốc)
Trao đổi với PV Dân trí, ông Đàm Văn Thắng - Viện trưởng VKSND huyện Gia Viễn - cho biết: “ Bà Đơn dùng ghế nhựa phang ông Điền, ông Điền hất ghế ngược lại làm bà Đơn bị thương nhẹ ở vùng mắt và trán là hành vi phòng vệ chính đáng, do vậy ông Điền không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi gây thương tích cho bà Đơn theo Bộ luật hình sự”.
“Nghệ thuật” bóc tách thương tích của nạn nhân
Khi PV hỏi cơ quan CSĐT có tìm thấy hung khí gây ra vết thương của bà Đơn là chiếc ghế nhựa không, ông Thắng nói rằng không tìm thấy. Với 18% còn lại, VKSND huyện Gia Viễn cho rằng: thương tích đó không hoàn toàn do ông Điền gây ra cho bà Đơn.
Về vụ việc này, ông Thắng cũng khẳng định do từ ban đầu khi xảy ra sự việc, các cơ quan liên quan đã không theo sát sự việc mới dẫn đến như thế này. Ông cũng cho biết thêm là quyết định của VKSND huyện Gia Viễn kết luận sự việc đã báo cáo và được sự đồng ý từ VKSND tỉnh Ninh Bình và tòa án tối cao.
Còn ông Hoàng Ngọc Cư - Trưởng ban tổ chức pháp y tỉnh Ninh Bình - khẳng định, CQĐT huyện Gia Viễn không thể phủ nhận kết quả giám định thương tích của bà Đơn, bởi tổ chức giám định là nơi có đủ chuyên môn thẩm định thương tích giúp cơ quan pháp luật phân xử sự việc theo đúng pháp luật.
“Việc bóc tách thương tích chuyển sang phòng vệ chính đáng cũng là một “nghệ thuật”, việc này cần sự làm việc cẩn trọng của các cơ quan liên quan”, ông Cư khẳng định.
Về vấn đề trên, Viện KSND tỉnh Ninh Bình cho rằng, cơ quan này đã nhận được kết quả kết luận giải quyết khiếu nại về trường hợp bà Đơn và 5 người đàn ông xô xát từ VKSND huyện Gia Viễn.
Viện KSND tỉnh cũng đã thông báo kết luận trên trả lời khiếu nại cho công dân. Nhưng Viện KSND tỉnh chưa có văn bản hay quyết định đồng ý với cách giải quyết của VKSND huyện Gia Viễn về vụ việc này, vì thế VKSND tỉnh Ninh Bình sẽ có họp bàn để giải quyết vấn đề trong thời gian sớm nhất.